tìm kiếm
CHUYÊN MỤC
Bài viết mới nhất
Mộc mạc tranh vỏ tràm Miệt Thứ
Gần 20 năm bén duyên
Đó là anh Lê Hoàng Nhân (41 tuổi), ngụ xã Đông Hưng B, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang. Anh Nhân kể, vỏ tràm vùng này thiếu gì, bà con lâu nay vẫn dùng để nhóm lửa do vỏ tràm mỏng, dễ bắt cháy, xài không hết thì ủ cho mục thành phân mùn quanh vườn cây, ao cá.
“Nhiều lần phụ vợ gom vỏ tràm làm chất đốt, mình để ý thấy vỏ tràm khô có tới 3-4 màu. Chất màu vàng nhạt, nâu nhạt, đỏ nhạt… nhìn đơn sơ, mộc mạc, nhưng với mình có sức hút lạ lùng. Vậy là những lúc rảnh rỗi mình lại lôi bìa ván ép ra phết keo, xé vỏ tràm dán lên làm tranh chủ yếu tả lại phong cảnh quanh nhà. Tranh làm ra chỉ để treo chơi, vì lúc đó chỉ vài tháng là bị mối mọt, hư hỏng hết”, anh Lê Hoàng Nhân chia sẻ.
Tranh vỏ tràm của anh Hoàng Lê Nhân |
Khoảng năm 2004, ông Trần Thanh Nam (khi đó là Bí thư Huyện ủy An Minh, hiện là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT) đem 4 bức tranh làm bằng vỏ tràm từ tỉnh khác về. Gặp anh Nhân (lúc đó công tác ở xã), ông khuyến khích anh tìm cách làm tranh sao cho chuyên nghiệp hơn, vì nếu thành công thì sẽ tạo ra một sản phẩm đặc sắc cho vùng đất Miệt Thứ (huyện An Minh được chia thành các Thứ xếp từ Thứ Bảy đến Thứ Mười Một).
Từ đó, anh Nhân bắt tay vào quá trình cải tiến công nghệ làm tranh. Từ việc chọn vỏ tràm già, tách lớp mỏng, phơi khô, tẩm keo, tạo hình rồi xé dán đều rất công phu. Anh Nhân cũng bỏ công tầm sư học vẽ, dù chỉ học những kiến thức cơ bản về ánh sáng, không gian xa – gần, đậm nhạt, bố cục…
Những bức tranh từ chỗ thô xấu, ngày càng trở nên có hồn, màu sắc, bố cục tinh tế hơn, nhìn có chiều sâu hơn hẳn. Anh Nhân mạnh dạn mang tranh đi tặng bạn bè treo chơi. Nhưng rồi có người hỏi ai làm, có bán không…
“Nói thật, mình có biết bán bao nhiêu, vì vật liệu trời cho, chỉ tốn ván ép làm nền, khung tranh mấy chục ngàn đồng một cái, keo dán thì rẻ. Nhưng bạn bè giới thiệu, khách quen, lạ, xa, gần hỏi mua hoài nên bán đại bức đầu tiên với giá 70.000 đồng”, anh Nhân cười, kể lại.
“Từ thiên nhiên tới mọi nhà”
Tranh bán ngày càng nhiều, các sở, ngành, địa phương, rồi UBND tỉnh Kiên Giang cũng đặt tranh theo chủ đề danh lam, thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh để làm quà tặng cho khách tới thăm, làm việc với địa phương nên anh Nhân nghĩ tới việc tạo thương hiệu. Tranh vỏ tràm Miệt Thứ là do mọi người đặt cho sản phẩm tranh của anh Nhân, còn anh nghĩ ra câu giới thiệu cũng mộc mạc đơn sơ như chính sản phẩm của mình – “từ thiên nhiên tới mọi nhà”.
Dù bận rộn với công việc ở xã, nhưng mỗi ngày anh Nhân vẫn dành thời gian làm tranh để kịp giao cho khách. Không dừng lại ở tranh phong cảnh, anh đã làm được rất nhiều chân dung theo yêu cầu, tất nhiên vẫn bằng chất liệu vỏ tràm. Không gian sáng tạo chỉ là trước hiên nhà, không gian trưng bày là gian phòng khách, nhưng mỗi năm anh Nhân bán gần 100 bức tranh, thu nhập cũng kha khá ngoài lương, đủ để phụ vợ nuôi con ăn học. Nhiều du khách tham quan rừng tràm U Minh Thượng đã tìm tới nhà anh Nhân mua tranh rồi tấm tắc khen tặng anh là người thổi hồn vào tranh vỏ tràm.
“Mình sáng tạo ra việc dùng mỏ hàn chì để làm chân dung có màu nâu sẫm trên nền vỏ tràm. Khi vẽ chân dung, khó nhất là màu mắt, màu tóc phải sinh động, có thần. Mình đang ấp ủ làm tranh bằng các chất liệu thiên nhiên khác như bẹ chuối, lá sen…, hy vọng sẽ thành công”, anh Nhân chia sẻ.
Năm 2022, tranh vỏ tràm Miệt Thứ được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực. Tranh vỏ tràm của anh Lê Hoàng Nhân cũng đã được một đối tác Nhật Bản tìm hiểu và đặt hàng, mở ra con đường xuất khẩu cho một sản phẩm thủ công mỹ nghệ đậm chất thiên nhiên, giàu bản sắc văn hóa rừng tràm vùng đất Nam bộ.